NTH - "Nước sông không phạm nước giếng. Nhưng một khi người khác cố tình xúc phạm bạn, bạn nên có sự "đáp trả", đây là ý kiến được nhiều người đưa ra khi nói về cách làm thế nào để chống lại bạo lực học đường.
Trong bộ phim nổi tiếng "The Road Not Taken" (Những ngã rẽ khác) của đạo diễn Sally Potter có một tình tiết như sau: Khi đứa con bị bắt nạt, người bố đã hỏi tại sao con không đánh lại? Đứa trẻ nói, dù đánh lại cũng không thắng. Nhưng người bố nói rằng: "Đánh nhau được hay không là vấn đề năng lực, còn dám đánh hay không là vấn đề thái độ. Thái độ quyết định số phận".
Mới đây nhất, trong Let's talk Giáo sư Tâm lý học tội phạm Lý Mai Cẩn cho rằng: "Nếu bị bắt nạt, hãy dạy con ĐÁP TRẢ! Không phải cổ súy bạo lực mà là cho người khác biết "Tôi không dễ bị bắt nạt". Bà Lý cũng kể lại một câu chuyện về cháu gái của mình, khi bị xô ngã xuống đất, đã nắm chặt lấy tai của kẻ bắt nạt và véo mạnh để thoát khỏi sự xâm hại. Bà Lý cho rằng, lý do khiến thủ phạm không chút do dự bắt nạt nạn nhân là vì nhìn thấy sự yếu đuối, không dám phản kháng. Vì nạn nhân sẽ im lặng sau mỗi lần bị bạo lực nên thủ phạm mới tiếp tục tái diễn hành động của mình. Nạn nhân càng im lặng, không dám lên tiếng hay phản kháng thì vết thương lòng càng tích tụ, lâu ngày gây ra hậu quả khôn lường."
![]() |
Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt |
Chúng ta cần phải nói rõ rằng, bất kỳ ai cũng không đồng ý với việc con cái sử dụng bạo lực với người khác. Tất nhiên, để hình thành quan điểm này, cần có một hệ thống giáo dục và sự hướng dẫn từ cha mẹ để dạy con cư xử với người khác một cách hòa nhã, dựa trên đạo đức và luật lệ. Nếu các đứa trẻ đều có kiến thức và kỹ năng này, bạo lực học đường sẽ tự động biến mất. Tuy nhiên, không phải tất cả các cha mẹ đều có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Do đó, chúng ta cần dạy con cách tránh bạo lực học đường.
Cha mẹ nên làm gì khi bị bắt nạt?
- Học cách giao tiếp và tương tác với người khác một cách lịch sự và tôn trọng.
- Học cách giải quyết mâu thuẫn và xử lý tình huống khó khăn một cách hòa nhã và khôn ngoan.
- Học cách khẳng định bản thân và tự tin trong các tình huống giao tiếp.
- Học cách đặt giới hạn cho chính mình và tôn trọng giới hạn của người khác.
- Học cách thấu hiểu cảm xúc của người khác và hiểu rõ quan điểm của họ.
- Học cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tin cậy như gia đình, bạn bè, giáo viên hoặc nhân viên trường học.
- Học cách phát hiện và tránh xa những tình huống nguy hiểm hoặc có khả năng gây xung đột.
- Học cách quản lý cảm xúc của mình và giữ bình tĩnh trong các tình huống khó khăn.
Xích mích hay bắt nạt?
Trước tiên, phụ huynh hãy tìm hiểu liệu rằng con cái đang có xích mích với bạn bè hay đang phải chịu đựng sự bắt nạt học đường. Đừng nhanh chóng kết luận một sự việc là bắt nạt. Bởi xích mích và bắt nạt là hai vấn đề có mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Chuyện xích mích, xung đột hay bất đồng quan điểm giữa bọn trẻ là điều hết sức bình thường trong quá trình kết bạn và trưởng thành của chúng. Trong khi đó, bắt nạt lại liên quan tới sự mất cân bằng quyền lực, những kiểu hành vi có tính gây hấn, khiêu khích, thù địch hay trả đũa.
Barbara Coloroso, chuyên gia tâm lý và là tác giả của nhiều cuốn sách về chủ đề nạn bắt nạt học đường cho biết, trong trường hợp con trẻ xảy ra xích mích hay xung đột với bạn bè, nhiệm vụ của cha mẹ là hỗ trợ con trẻ giải quyết các vấn đề, còn nạn bắt nạt thì cần ngăn chặn. Thay vì can thiệp quá sâu khi con trẻ xảy ra sự bất đồng quan điểm với bạn bè, hãy dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc, hành vi, lời nói trong quá trình xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm.
Để con trẻ tự giải quyết những xích mích, bất đồng quan điểm là cách giúp chúng trau dồi kỹ năng sống và kinh nghiệm để xử lý những tình huống tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nếu xung đột diễn ra trong một thời gian dài mà trẻ không thể tự giải quyết, rất có thể trẻ sẽ phải chịu tổn thương về mặt tinh thần và thể chất. Trong trường hợp này, phụ huynh cần can thiệp kịp thời để bảo vệ con trẻ.
Giải quyết xung đột
Katie Hurley, một nhà trị liệu tâm lý chuyên về trẻ em và thanh thiếu niên nhận định, trẻ em có khả năng tự nhận thức được khi nào “cuộc chiến” sẽ bùng nổ nên trẻ cần được cha mẹ dạy các kỹ năng kiểm soát tình huống trước khi căng thẳng leo thang. Bí quyết để giải quyết xung đột và xích mích là làm chủ tình hình và sẵn sàng đàm phán.
Lỗi sai có thể đến từ phía đối phương nhưng trẻ cũng nên chủ động nhận một phần lỗi về phía mình. Phụ huynh hãy dạy con cái cách giữ bình tĩnh và sẵn sàng lắng nghe đối phương trong mọi tình huống. Để giải quyết xung đột với bạn bè, trẻ nên thẳng thắn trò chuyện cùng đối phương với thái độ cởi mở và thể hiện lối hành xử thiện chí.
Con trẻ hoàn toàn có thể tự thực hành những cuộc trò chuyện giải quyết xung đột với cha mẹ, người thân để nhận được sự góp ý.
Sự quyết đoán khác với sự hung hăng
Trong trường hợp, trẻ thường xuyên bị quấy rối, trước tiên cần giữ bình tĩnh, sau đó thể hiện sự quyết đoán bằng ánh mắt và lời nói: "Đừng chạm vào tôi". Nếu trẻ không giao tiếp và phản ứng bằng sự quyết đoán, việc quấy rối, trêu chọc sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, sự quyết đoán khác với sự tức giận hay hung hăng, thái độ đáp trả quá tiêu cực chỉ khiến cho đối phương kích động và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Không chỉ trẻ bị bắt nạt cần có sự quyết đoán, những trẻ chứng kiến hành vi bắt nạt cũng cần có thái độ kiên quyết. Hầu hết trong trong mọi tình huống sẽ luôn có một đứa trẻ cầm đầu và nghĩ ra những trò bắt nạt, còn những đứa trẻ khác hùa theo. Kẻ bắt nạt luôn có xu hướng tìm kiếm thêm đồng minh. Vậy nên hãy dạy trẻ nhận thức được rõ đâu là hành vi bắt nạt, kiên quyết không tham gia, cổ vũ cho những hành vi xấu.
![]() |
Phụ huynh cần dạy trẻ cách tự vệ khi bị bắt nạt về thể chất |
Tự vệ
Khi đối mặt với các cuộc tấn công thể chất dù là do xung đột hay bị bắt nạt, trẻ nên biết cách tự vệ và sử dụng chúng để tự bảo vệ bản thân. Có sự khác biệt giữa tự vệ với tấn công hay đánh trả. Trẻ nên được dạy các động tác tự vệ để ngăn chặn việc bị tấn công thay vì đánh trả gây tổn thương cho đối phương và có thể châm ngòi khiến cuộc tấn công diễn ra theo hướng tồi tệ hơn.
Đồng thời, nếu đứa trẻ bị bắt nạt hay cảm thấy bị đe dọa, chúng nên nhờ những người ngoài cuộc gần nhất để giúp đỡ. Theo một cuộc khảo sát từ một website, những người ngoài cuộc với sự trưởng thành và tỉnh táo khi xử lý tình huống có thể ngăn cản một vụ bắt nạt với tỉ lệ thành công lên tới 57%.
Sử dụng lời nói thay vì nắm đấm
Chúng ta không khuyến khích con phòng thủ thái quá. Vì một khi phấn khích lên rất dễ dẫn đến bạo lực quá mức, gây ra hậu quả xấu. Trên thực tế, chúng ta cần dạy con đáp trả một cách có chừng mực, tránh quá đà, ăn thua đủ. Thay vào đó, hành động đáp trả của trẻ ở mức vừa phải, phù hợp để khiến đối phương thấy rõ mình không phải là người chỉ biết chịu đựng.
Chúng ta không cổ súy việc dùng bạo lực để chế ngự bạo lực, mà là dạy trẻ thể hiện rằng: "Tôi không dễ bị bắt nạt đâu".
Tham khảo
- Dạy trẻ đối phó với bạo lực học đường: hãy dạy con ĐÁP TRẢ (tintuconline.com.vn)
- Có nên dạy con đánh trả khi bị bắt nạt học đường? (giadinhonline.vn)
- Bạo lực học đường: Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp (thanhnien.vn)
- Khi phụ huynh 'hỏi khó' chuyên gia tư vấn - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)
Theo ##